top-banner-2

Du lịch - Điểm đến Thứ ba, 05/11/2024, 15:37 GMT+7
Thung lũng đầy những bộ xương khổng lồ bí ẩn ở Ai Cập

Sâu trong sa mạc phía tây của Ai Cập, có những kho báu còn cổ xưa hơn cả lăng mộ của các pharaoh.

thung-lung-day-nhung-bo-xuong-khong-lo-bi-an-o-ai-cap

Thung lũng Cá voi, hay còn gọi là Wadi al-Hitan, một di sản thế giới của UNESCO - Ảnh: BELLA FALK

Đến Ai Cập, du khách có thể ghé thăm khu thung lũng Cá voi, hay còn gọi là Wadi al-Hitan để chứng kiến một trong những bí ẩn vĩ đại nhất của lịch sử tiến hóa.

Thung lũng Cá voi bí ẩn và đầy hấp dẫn của Ai Cập

Lịch sử Ai Cập cổ đại được khắc họa qua hàng ngàn di tích, từ chiếc mặt nạ vàng của Tutankhamun đến tượng nhân sư bí ẩn của các kim tự tháp. Nhưng nếu lái xe khoảng 160km về phía tây nam Cairo, vào vùng cát mênh mông của sa mạc phía tây, bạn sẽ có thể quay ngược thời gian xa hơn nữa - đến một giai đoạn khi Ai Cập không phải là vương quốc của các vị vua, mà là vương quốc của những quái vật.

Ở đây, cuối con đường dài không được trải nhựa là thung lũng Cá voi, hay còn gọi là Wadi al-Hitan, một di sản thế giới của UNESCO, được cho là nắm giữ chìa khóa của một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử tiến hóa.

Không có sự sống nào trong thung lũng cát này - không có nhà cửa, không cây cối, không nước. Chỉ có sa mạc kéo dài vô tận theo mọi hướng, rộng lớn và vàng óng như tất cả sự giàu có của các pharaoh cộng lại. Sau những âm thanh náo nhiệt của Cairo, sự yên tĩnh ở đây thật sâu lắng.

Mặc dù khách du lịch thường đổ xô đến chiêm ngưỡng các báu vật của Ai Cập cổ đại ở thung lũng các vị vua, thung lũng Cá voi Wadi al-Hitan vẫn là một kho báu bí ẩn và đầy hấp dẫn.

Khu vực hẻo lánh này kể lại một câu chuyện mạnh mẽ về sự sống trên Trái đất, bị thời gian chôn vùi, và giờ đây lộ diện nhờ sự xói mòn của gió và công việc tỉ mỉ của các nhà cổ sinh vật học. Tại đây, người ta có thể tìm thấy các hóa thạch của một số loài cá voi cổ đã tuyệt chủng - cũng là điều làm nên nét độc đáo của thung lũng.

Có những dấu hiệu của sự sống thời tiền sử trong sa mạc, từ động vật thân mềm trơn nhẵn đến răng cá mập - Ảnh: BELLA FALK

Khoảng 1.000 cá thể đã được xác định ở Wadi al-Hitan (thung lũng Cá voi) - Ảnh: BELLA FALK

Một bảo tàng lưu giữ nhiều hóa thạch được phát hiện tại Wadi al-Hitan - Ảnh: BELLA FALK

Bộ xương của loài săn mồi khổng lồ cổ đại

Những người yêu thích hóa thạch thường đến thung lũng Cá voi trong các chuyến đi trong ngày từ Cairo. Những gì họ tìm thấy giữa cát là những tảng đá được điêu khắc thành những hình dạng kỳ lạ qua hàng thiên niên kỷ.

Những ngôi đền, những bệ đỡ tròn trĩnh và những cây nấm khổng lồ điểm xuyết khắp cảnh quan, bị xói mòn bởi cơn gió thổi không ngừng. Ở giữa là một con đường cát, chỉ được phân biệt với phần còn lại của sa mạc nhờ những viên đá gọn gàng xếp dọc theo mép đường và những dấu chân chồng chéo của du khách.

Đây là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái đất, nhưng khi đi bộ giữa những khối đá kỳ quái này, ta thấy có những dấu hiệu của sự sống thời tiền sử - những vỏ sò trơn nhẵn phản chiếu ánh sáng; những hóa thạch hình đồng xu của các sinh vật biển gọi là nummulites; thậm chí có thể tìm thấy răng cá mập ở đây.

Đó là những thứ khó hiểu khi xuất hiện ở một sa mạc cách bờ biển 160km. Nhưng 40 triệu năm trước, hình dạng của các lục địa rất khác. Toàn bộ khu vực Bắc Phi lúc đó chìm dưới một đại dương nông gọi là Tethys. Điều đáng chú ý và bất ngờ nhất là bộ xương được bảo quản tốt của một loài săn mồi khổng lồ nằm trên cát ở cuối con đường, với cột sống dài ngoằng, và các xương sườn tỏa ra hai bên.

Những bộ xương này không chỉ hấp dẫn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu một trong những câu chuyện kỳ lạ nhất của tiến hóa - và chìa khóa cho điều này có thể tìm thấy trong "bảo tàng" Wadi al-Hitan.

Tại đây, bên cạnh chiếc sọ của loài bò sát Basilosaurus dài 1m với hàm răng đáng sợ, là đặc điểm kỳ lạ nhất của quái vật này - một đôi chân sau nhỏ xíu, đầy đủ xương đùi, xương ống, mắt cá và bàn chân như que diêm.

"Thật kỳ lạ khi cá voi là loài động vật có vú hô hấp bằng không khí, nhưng chúng sống trong đại dương", Sallam giải thích. "Các nhà khoa học giả thuyết rằng chúng phải bắt nguồn từ trên cạn, nhưng sau đó đã vào nước và tiến hóa thành hình dạng khổng lồ mà chúng ta biết ngày nay, mất đi đôi chân trong quá trình này. Nhưng hàng thập kỷ qua, họ không có bằng chứng".

Những xương chân, được phát hiện vào năm 1989, là một mắt xích quan trọng trong quá trình chuyển đổi đó. Chúng nhỏ bé, không lớn hơn cánh tay con người, và với con cá voi nặng 6 tấn này, chúng không có ích gì cho việc đi bộ. Nhưng chúng là bằng chứng rõ ràng rằng cá voi từng sống trên cạn và đã từ bỏ cuộc sống trên cạn để về đại dương.

"Điều này giống như ta có thể nhìn thấy tiến hóa bằng mắt thường và chạm vào bằng tay", Sallam nói. "Ta phải cẩn thận khi bước đi, vì có hóa thạch khắp nơi và ta không bao giờ biết được phát hiện mới nào có thể nằm dưới chân mình".

(nguồn: tuoitre.vn)

 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

ong-xinh