top-banner-2

Chân dung Doanh nhân Thứ sáu, 26/07/2024, 15:58 GMT+7
Con đường trở thành tỷ phú với khối tài sản hơn 7.000 tỷ của ông chủ DGC

Với sự nhạy bén, ông Đào Hữu Huyền đã nhanh chóng có những quyết sách đúng đắn để đưa Hoá chất Đức Giang đi đầu trong ngành hoá chất. Ước tính khối tài sản của ông Huyền trên 7.600 tỷ đồng.

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm mạnh phiên 23/7, mã cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang do đại gia Đào Hữu Huyền giữ vị trí Chủ tịch tiếp tục có phiên giảm mạnh 4,91% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức 108.400đ/cp, đây cũng là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của mã cổ phiếu này trong những phiên giao dịch gần đây. Sang phiên 24/7, cổ phiếu DGC đã có nhịp điều chỉnh lên 110.000 đồng/cp, và vẫn là một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.

con-duong-tro-thanh-ty-phu-voi-khoi-tai-san-hon-7000-ty-cua-ong-chu-dgc

Chủ tịch Hoá chất Đức Giang Đào Hữu Huyền. 

Ông Đào Hữu Huyền giàu cỡ nào?

Theo báo cáo quản trị, tại đầu năm 2024, cá nhân vị Chủ tịch Hoá chất Đức Giang nắm hơn 69,7 triệu cổ phiếu DGC, tương đương 18,38% vốn. Như vậy nếu tạm tính với mức 110.000 đồng/cp, khối tài sản của ông Huyền vào khoảng 7.667 tỷ đồng, góp mặt trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ông Đào Hữu Huyền, những người thân của ông cũng nắm lượng lớn cổ phiếu.

Chẳng hạn, vợ ông là Nguyễn Thị Hồng Lan sở hữu hơn 14,2 triệu cổ phiếu, tương đương 3,76% vốn. Người con trai là Đào Hữu Duy Anh cầm hơn 11,4 triệu đơn vị, chiếm hơn 3% cổ phần công ty. Còn con gái Đào Hồng Hạnh giữ hơn 5,1 triệu DGC, tức 1,35% vốn cổ phần.

Tính tổng lại, nhóm ông Huyền và người đang sở hữu trên 40% cổ phần của Hoá chất Đức Giang, với giá trị thị trường ước khoảng 16.700 tỷ đồng.

Đây là chưa kể đến những lần nhóm gia đình ông Huyền còn được gia tăng tài sản thông qua việc nhận cổ tức từ Hoá chất Đức Giang. Mỗi năm, công ty đều đặn chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ từ 30% - 40% (3.000 đồng - 4.000 đồng/cp), riêng năm 2021 lên tới 127%.

Hành trình từ kỹ sư đến ông chủ công ty đầu ngành hoá chất Đào Hữu Huyền

Ông Đào Hữu Huyền sinh năm 1956 quê quán Hưng Yên.  Ông tốt nghiệp cử nhân hóa học của trường Đại học Tổng hợp. Trước khi là lãnh đạo tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, ông Đào Hữu Huyền đã bén duyên trong ngành hóa chất từ thập kỷ 90, khi làm việc tại một Nhà máy hóa chất Đức Giang, thời điểm đó là nhà máy thuộc quyền quản lý và sở hữu Nhà nước. 

Sau đó ông tiếp tục đi du học Áo để mở rộng kiến thức chuyên môn. Khi về nước, ông Huyền đứng ra thành lập Công ty TNHH Văn Minh vào năm 1993 chuyên nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc về bán cho thị trường trong nước.

Quá trình kinh doanh và tích luỹ, ông Đào Hữu Huyền và vợ là Nguyễn Thị Hồng Lan đã mua lại lượng lớn cổ phần của CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang vào năm 2007 và trở thành cổ đông lớn nhất, cùng lúc Nhà nước thoái vốn và giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% về 20%.

Cũng từ đây, ông Huyền cùng vợ chính thức lèo lái Tập đoàn Hoá chất Đức Giang với vai trò Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT, bắt đầu đưa công ty theo hướng phát triển mới. 

Với kinh nghiệm hàng chục năm của ông trong lĩnh vực, ngành nghề hóa chất, cộng thêm những quyết sách M&A với một số doanh nghiệp, ông Đào Hữu Huyền đã đưa Hoá chất Đức Giang phát triển từng bước một vững trãi, chắc chắn và không chỉ đơn thuần sản xuất kinh doanh mặt hàng, sản phẩm truyền thống bột giặt, nguyên liệu sản xuất bột giặt, mà còn mở rộng sang một số lĩnh vực như: Sản xuất hóa chất công nghiệp, hóa chất tinh khiết,....

Cụ thể, trước khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm 2014, Hoá chất Đức Giang chủ yếu sản xuất bột giặt và chất tẩy rửa, các hoạt động này chiếm gần 70% doanh thu thuần của công ty trong các năm 2012 và 2013.

Không lâu sau, nhận thấy sản phẩm phốt pho là mặt hàng chiến lược của thế giới, ông Huyền quyết định chi 2.000 tỷ đồng để đầu tư Tổ hợp nhà máy hóa chất Đức Giang Lào Cai. 

Con duong tro thanh ty phu voi khoi tai san hon 7.000 ty cua ong chu DGC-Hinh-2

Tổ hợp nhà máy hóa chất Đức Giang Lào Cai được khởi công năm 2012 và khánh thành năm 2014. 

Cùng với Nhà máy phốt pho vàng (P4) của công ty lúc đó thì dự án tại Lào Cai (khánh thành năm 2014) đang là tổ hợp hóa chất chế biến sâu quặng apatit lớn và đa dạng sản phẩm tại Việt Nam lúc bấy giờ. Cả hai dự án nói trên đã đưa Hoá chất Đức Giang sang trang mới của ngành hóa chất.

Nói thêm, phốt pho vàng là nguyên liệu rất quan trọng, là động lực cho các ngành công nghiệp ứng dụng; đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn, linh kiện điện tử.

Hoá chất Đức Giang còn có lợi thế rất lớn, đủ để đưa vị thế công ty lên hàng đầu khi Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á có nguồn quặng Apatit tại Lào Cai- nguyên liệu cơ bản để sản xuất phốt pho vàng dồi dào với sản lượng khai thác dự kiến 3,7 triệu tấn trong vòng 6 năm. 

Thừa thắng xông lên, cuối năm 2019, Hoá chất Đức Giang mua thêm nhà máy Vinachem đưa công suất phốt pho vàng lên 60.000 tấn/năm, từ đó tập đoàn có được mặt hàng chủ lực và ghi tên phốt pho vàng Việt Nam vào bản đồ hóa chất thế giới.

Tập khách hàng của DGC cũng là những doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng gồm điện tử, thực phẩm, chăn nuôi như Mitsubishi, UNID Global Corp, UPL, CJ, Cargill, Proconco, Wilmar International, Chemicals,...

Đầu tư nhiều để rồi kết quả đạt được cũng vượt ngoài mong đợi, lợi nhuận hằng năm của Hoá chất Đức Giang tăng trưởng đều trên hai chữ số. Riêng năm 2018, nhờ sáp nhập CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai mà mức lợi nhuận trước thuế của Hoá chất Đức Giang đã tăng vọt hơn 5 lần lên 907 tỷ đồng. Doanh thu cũng vượt mốc 6.000 tỷ đồng mà trong đó hơn 90% đến từ xuất khẩu. 

Khối tài sản của Hoá chất Đức Giang cũng tăng mạnh từ 886 tỷ (năm 2017 lúc chưa sáp nhập) lên hơn 15.300 tỷ đồng tại cuối quý II/2024.

Con duong tro thanh ty phu voi khoi tai san hon 7.000 ty cua ong chu DGC-Hinh-3

Gần đây nhất, Hoá chất Đức Giang còn muốn chơi tất tay vào mảng xút khi dự kiến đầu tư 12.000 tỷ đồng cho dự án Nhà máy Xút Chất dẻo Nghi Sơn tại Khu công nghiệp Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Sản phẩm chính của dự án này gồm xút (NaOH), nhựa PVC, axit HCL, chất xử lý nước PAC… Đây là dự án có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Hoá chất Đức Giang.

Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Hoá chất Đức Giang thâm nhập lĩnh vực kinh doanh xút đầy tiềm năng và đồng thời cũng là bước chuẩn bị cho tập đoàn hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất với đại dự án Bauxite - Nhôm tại tỉnh Đắk Nông trong dài hạn.

Dự kiến Hoá chất Đức Giang sẽ không cần huy động nợ vay mà sẽ sử dụng lượng tiền mặt có sẵn để tài trợ cho dự án này. Tính đến hết tháng 6/2024, lượng tiền nhàn rỗi của công ty hơn 10.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, dự án Nhà máy Xút Chất dẻo Nghi Sơn có thể sẽ hoàn thành trong quý III/2025 và đạt công suất tối đa ngay trong quý IV/2025. Qua đó, dự án này kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 2.400 tỷ đồng doanh thu và 480 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tương đương khoảng 15% tổng doanh thu và 13% tổng lợi nhuận gộp của Hoá chất Đức Giang trong năm 2026.

Về tiềm năng triển khai dự án Bauxite - Nhôm tại tỉnh Đắk Nông, theo hãng chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV), Hoá chất Đức Giang hiện đã nằm trong danh sách ứng viên tiềm năng và đang chờ chỉ đạo của Chính phủ về việc ban hành cơ chế đặc thù cho dự án.

Tổng mức đầu tư của dự án Bauxite - Nhôm tại tỉnh Đắk Nông cho hai giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Đắk Nông hàng năm khi đi vào hoạt động.

(nguồn: vietnamdaily.trithuccuocsong.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql

hoa-moc-thien

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau

ong-xinh